Giống lúa thơm ST25 được nhóm tác giả là KS Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và ThS Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, chọn tạo. Sau khi được đưa vào tham dự cuộc thi “World’s best rice”, do The Rice Trader (TRT) tổ chức trong hội nghị “TRT world rice conference” lần thứ 11 tại Manila, Philippines vào tháng 11.2019, gạo thơm ST25 đã đoạt giải nhất Gạo ngon nhất thế giới năm 2019.
Gạo ST25 khẳng định vị trí gạo Việt trên thế giới
Dành cho Phóng viên Lao Động những dòng tâm sự nhân dịp Tết đến xuân về, KS Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của giống gạo ST25 chia sẻ:
Khi ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới, tôi rất bất ngờ và xen lẫn tự hào. Bản thân gắn bó với đồng ruộng trên 25 năm, tôi cùng các cộng sự làm là vì đam mê chứ không phải vì giải thưởng. Tôi cũng không ngờ “sự kiện gạo ST25” lại gây chấn động lớn như vậy. Việc nhiều người Việt tìm mua gạo ST25 của Việt Nam để ăn trong thời gian qua đã tạo cho tôi niềm tin và động viên những người làm khoa học nông nghiệp như chúng tôi, như một minh chứng khẳng định: Người Việt vẫn tin dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao. Nếu như trước đây, người Việt tìm gạo Miên, gạo Thái, là bởi họ chưa tìm được gạo Việt có đẳng cấp có chứng chỉ trên thế giới.
Thưa ông, các tiêu chí “ngon” của gạo trước đây thường dựa vào chuẩn từ gạo ngon Thái Lan. Năm nay, với giải này, gạo Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình trên thế giới. Ông có cảm xúc như thế nào?
- Cũng có một điều đặc biệt khác, trong 11 năm tổ chức thì họ (Tổ chức thương mại gạo thế giới-PV) chỉ công nhận giống gạo mùa cổ truyền, tuy thơm ngon nhưng năng suất thấp. Mỗi năm chỉ được một vụ. Còn hai giống ST24 và ST25 thì có thể trồng 2 vụ một năm. Trên cùng một đơn vị diện tích, trong một năm, ST25 có thể cung cấp sản lượng gạo ngon gấp 5 lần gạo lúa mùa của các nước xung quanh.
Khi nói đến gạo ngon phải cảm nhận bằng ngũ quan. Đầu tiên là dùng mắt để nhìn: đó là hạt gạo dài, trắng, trong. Rồi khi ngửi thì nó phải thơm, ăn thì mềm, có vị ngọt. Điểm rất khác so với gạo thường là lượng hấp thụ nước rất thấp. Ví dụ như với ST24, ST 25 thì tỉ lệ nấu cơm là 1 gạo – 0,8 nước. Hột cơm khi nấu ra không bể bung, nó chỉ dãn dài ra, trông như đang sắp hàng trong nồi cơm. Đối với gạo ST25, điều khiến tôi không ngờ kết quả thu về là hạt gạo ngon về phẩm chất, tốt về ngoại hình, thích nghi ngoại cảnh và tính kháng bệnh cao.
Ta là người Việt Nam, gạo Việt ngon nhất thế giới, ông có cho rằng, gạo Việt sẽ làm thay đổi quan niệm tiêu dùng của một bộ phận người Việt Nam lâu nay đang tìm mua gạo Thái, gạo Nhật để ăn?
- Từ những sản phẩm đạt chất lượng gạo Việt Nam, tôi tin người Việt sẽ đánh giá đúng được vị trí và chất lượng hạt gạo được trồng trong nước.
ST25 là gạo ngon nhất thế giới 2019 đang làm người tiêu dùng "phát sốt". Ông có kế hoạch gì để bảo tồn tài sản nông nghiệp quý giá này, hoặc nhờ Nhà nước hỗ trợ để bảo tồn?
- Về phương diện bảo tồn, là tác giả tôi sẽ phải làm. Ai là tác giả của giống cũng biết cách thôi, đó là việc đương nhiên. Nhưng ở phương diện phát triển thành tựu đó, cần có chính sách của nhà nước với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Hạt gạo cần bộ quy chuẩn, cần những thứ liên quan để xây dựng một thương hiệu gạo Việt. Đó là những vấn đề lớn, vượt tầm một người làm khoa học nên tôi cũng chỉ đề xuất một số thứ.
Tất cả các giống đều cần có bảo tồn, bảo vệ. Như vậy đoạt giải chỉ là điểm khởi đầu, còn rất nhiều hoạt động sau khi được chứng nhận. Chúng ta muốn phát triển những thành quả này trước hết phải có thể chế, chính sách, những giải pháp khoa học để duy trì. Nếu không có giải pháp tốt thì 3 năm sau, giống này sẽ rơi vào dạng thường thường bậc trung chứ không phải cấp cao nữa.
Ở Nam Kỳ lục tỉnh từ năm 1914 đã có những loại gạo ngon rồi xuất khẩu đi Âu Châu, nhưng do chiến tranh đã bị mai một. Bên cạnh đó, sau một giai đoạn lịch sử khá dài, trong thời kỳ bao cấp, sau khi thống nhất đất nước chúng ta phải lo tìm những giải pháp để tăng sản lượng lương, do đó chúng ta đã bỏ quên và vô tình làm mất đi những cơ hội tốt. Nhưng ở phương diện phát triển thành tựu đó, như tôi nói, cần có chính sách của nhà nước với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Hạt gạo cần bộ quy chuẩn, cần những thứ liên quan để xây dựng một thương hiệu gạo Việt.
Xin cảm ơn ông và kính chúc ông có nhiều đóng góp hơn nữa cho ngành nông nghiệp!
Trích nguồn: https://laodong.vn/kinh-te/gao-st25-ngon-nhat-the-gioi-chap-canh-cho-thuong-hieu-gao-viet-778531.ldo